Những trò chơi từng được lưu truyền trong dân gian bị “đứt đoạn” từ những năm đầu tiên của thế kỷ mới, hiện tại thì đã gần như “mất hút” trong sự tiếc nuối của những người yêu truyền thống văn hóa Việt. Nhìn lại quá khứ, ở một góc độ nào đó, cuộc sống đẹp như một bức tranh sinh động nhờ sự hiện diện của trò chơi dân gian. Tiếng trẻ con hò reo, cười khúc khích trong các ngõ xóm khi chúng cùng chơi nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây... Ngày xưa, vào những giờ giải lao, học sinh tụm năm, tụm ba cùng nhau chơi những trò chơi như: đánh chuyền, nhảy dây, đá cầu, chơi ô ăn quan, mèo đuổi chuột... Những trò chơi không đòi hỏi tốn nhiều thời gian chuẩn bị, không làm ảnh hưởng nhiều đến thị lực, sức khoẻ. Chỉ cần vài chiếc que, ít đá cuội và khoảng thời gian nho nhỏ là có thể tổ chức được một trò chơi dân gian.
“Chất xúc tác” của trò chơi dân gian là những bài đồng dao trong sáng, mang đậm tính nhân văn nhưng lại dễ nhớ, người chơi có thể vừa chơi, vừa hát làm cho không khí cuộc chơi thêm phần sôi nổi. Khi hè về, con trai được chơi trò thả diều, đánh bi, con gái chơi đánh chuyền, chơi ô ăn quan, nhảy dây, đi trống canh một...
Trở về thực tại, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa cùng sự ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp của nhiều trào lưu mới đã dẫn tới những đổi thay mang tính tiêu cực của các trò chơi dân gian. Đặc biệt, giá trị của các trò chơi đang có nguy cơ mai một, biến mất, thậm chí biến tướng một cách bất thường và nhanh chóng. Thay vào đó là các trò chơi mới được du nhập không phù hợp với văn hóa, thể chất của con người Việt. Chính vì thế mấy năm trở lại đây, ở một số địa phương, việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của các trò chơi dân gian đã được quan tâm, chú trọng.
Nhưng việc khôi phục các trò chơi dân gian có vẻ ngày càng “bất khả thi”, người trẻ bây giờ không cảm nhận được sự mất mát vì thật ra họ còn chưa từng biết đến chúng, nói gì đến chuyện tiếc nuối, người lớn tuổi thì không còn sức để... chơi. Cách duy trì và bảo tồn trò chơi dân gian duy nhất hiện nay có lẽ là việc tái hiện chúng tại các lễ hội.
Chỉ có điều, tại các lễ hội hiện nay ngoài văn nghệ, thể thao mà bóng đá, bóng chuyền là chủ công thì các trò chơi dân gian lại ít được đưa vào thi đấu. Nếu có tổ chức thi đấu thì giải thưởng cũng không đáng kể làm cho ít nguời tham gia, không khí lễ hội kém vui, trò chơi dân gian càng thêm ngậm ngùi.
Đưa trò chơi dân gian vào trường học để giúp trẻ nhỏ giải tỏa căng thẳng sau những tiết học văn hóa không phải là ý tưởng kém khả thi. Đây chính là giải pháp hiệu quả nhằm gìn giữ trò chơi dân gian và giúp giới trẻ tránh xa những trò chơi mang tính bạo lực, hơn nữa, khi trò chơi dân gian được “sống lại” trong các trường học, người trẻ sẽ dần ý thức về việc gìn giữ di sản văn hóa Việt nói chung. Quan trọng hơn cả, họ sẽ biết trân trọng những giá trị của quá khứ thay vì bị “mất gốc”.
Chúng ta đang xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thiết nghĩ ngoài sự đầu tư lớn cho những môn thể thao “vua”, thì cũng cần nghiên cứu đầu tư nhằm khôi phục lại các trò chơi dân gian.
Tuy nhiên, bấy nhiêu nỗ lực cũng chưa đủ để khôi phục toàn bộ trò chơi dân gian trong cuộc sống hiện đại. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc nói chung, trò chơi dân gian nói riêng cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng của mọi cấp, ngành và toàn xã hội. Việc khôi phục lễ hội truyền thống cũng nên đặt trọng tâm vào các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, đấu vật, đua voi, đua bò, đua ghe... Nhưng cần thiết hơn nữa là việc tổ chức thường xuyên tạo thành nếp sinh hoạt gắn bó với cuộc sống, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đây cũng là cơ hội truyền dạy cho thế hệ trẻ ý thức gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp.
gìn giữ, di sản, văn hóa, thiên nhiên, vật thể, bao gồm, kiến trúc, âm nhạc, truyền thống, trò chơi, có lẽ, xã hội, mất mát, giá trị, khái niệm, đời sống, khôi phục, hiện nay, công nghệ, lưu truyền, thế kỷ
Ý kiến bạn đọc